Trong quá trình mua bán bất động sản, chúng ta cần nắm rõ các quy trình để tránh tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra. Thủ tục mua bán nhà đất có thể thay đổi tùy theo loại bất động sản mà bạn đang giao dịch. Thông qua bài viết nàyOneDay sẽ hướng dẫn bạn một cách chi tiết nhất!
1. Sổ đỏ và Sổ hồng là gì
Sổ đỏ và Sổ hồng là từ mà người dân thường dùng để gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở” dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận.
Đến ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Theo nghị định này, từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu “Giấy chứng nhận mới” áp dụng chung trên phạm vi cả nước có tên là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”
2. Thủ tục mua bán đất đã có sổ đỏ
Đây là quy trình được tiến hành khá phổ biến hiện nay. Nhà đất khi có sổ đỏ được coi là loại tài sản đã được Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Điều này sẽ càng đảm bảo độ uy tín và cam kết của các giao dịch mua bán nhà đất.
Dưới đây là 5 bước của quy trình đối với tài sản đã có sổ đỏ:
2.1 Kiểm tra, xác thực giấy chứng nhận và các giấy tờ liên quan
Đối với người mua, cần kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cần kiểm tra quyền sở hữu nhà; các giấy tờ liên quan khác như căn cước công dân, chứng minh thư, sổ hộ khẩu… của chủ nhà đất (đề nghị chủ nhà cho xem bản chính).
Liên hệ với phòng công chứng để kiểm tra tình trạng giao dịch; liên hệ địa chính cấp xã để kiểm tra thông tin loại hình bất động sản bạn muốn mua; kiểm tra thông tin về quy hoạch, thu hồi đất.
2.2 Đặt cọc mua nhà
Đây là bước không thể bỏ qua trong quy trình mua bán nhà đất đã có sổ đỏ. Đặt cọc sẽ tạo ra độ cam kết cho cả hai bên. Nó giúp tránh trường hợp không mua hoặc không bán đột ngột gây ảnh hưởng đến bên còn lại.
Tuỳ theo thoả thuận và giá trị của bất động sản mà số tiền đặt cọc khác nhau. Nhưng thông thường, 2 – 3% là giá trị thực của căn nhà hay mảnh đất. Thời gian đặt cọc sẽ từ 5 – 7 ngày. Một vài trường hợp lên đến 30 ngày tuỳ vào thoả thuận giữa hai bên.
Quá trình đặt cọc có thể được thực hiện ở phòng công chứng hoặc có người thứ ba đứng ra làm chứng. Thông thường người thứ ba sẽ không có quan hệ với cả hai bên mua và bán. Việc này sẽ giúp cho giao dịch được tiến hành công tâm và bình đẳng hơn.
2.3 Nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ
Hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau:
- 2 bản sổ hộ khẩu
- Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân
- Giấy Đăng ký kết hôn / chứng nhận độc thân
- 2 Bản hợp đồng đã công chứng và đầy đủ chữ ký của hai bên
- Sổ đỏ bản gốc
Bên mua và bên bán phải nộp hồ sơ lên các cơ quan có thẩm quyền hay văn phòng cấp chính quyền như quận, huyện.
2.4 Đóng các loại thuế phí theo quy định
Tùy theo điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng mà cả hai bên đều phải nộp thuế theo quy định của pháp luật:
- Đối với bên mua: thuế trước bạ 0,5% giá trị tài sản.
- Đối với bên bán: thuế thu nhập cá nhân 2% giá trị tài sản
2.5 Hoàn tất quy trình, nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu
Sau khi nộp thuế và hoàn tất đủ các nghĩa vụ trong quy trình mua bán nhà đất đã có sổ đỏ, bên mua hoặc bên bán sẽ có trách nhiệm đem nộp toàn bộ giấy tờ đến UBND nơi mua bán nhà đất.
Cơ quan thẩm định sẽ tiến hành kiểm tra; xác nhận lại thông tin về tài sản mà hai bên đã nộp lên.
Nếu xét hồ sơ và không thấy vấn đề gì sai sót, bộ phận nghiệp vụ sẽ chính thức tiến hành quy trình mua bán sang tên nhà đất theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.
Cả hai bên sẽ nộp toàn bộ số tiền còn lại theo đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng.
3. Thủ tục mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ
3.1 Có thể mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ trong trường hợp nào
Đối với nhà đất chưa có sổ đỏ thì có thể được chuyển nhượng trong các trường hợp sau:
- Theo khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013: “Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”
- Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013: “Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.”
3.2 Hướng dẫn quy trình mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ
Quy trình mua bán nhà đất 2022 đối với tài sản chưa có sổ đỏ gồm những bước sau:
Bước 1: Đăng ký cấp sổ đỏ
Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
Để thực hiện thủ tục đăng ký; bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết cho hồ sơ; việc này sẽ đảm bảo quy trình mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ diễn ra suôn sẻ và chính xác.
Bước 2: Công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Để việc chuyển nhượng có hiệu lực và được pháp luật bảo vệ; tránh trường hợp bị lừa đảo một mảnh đất mà chuyển nhượng cho nhiều người thì bạn cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bước 3: Kê khai nghĩa vụ tài chính
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên phải kê khai các loại giấy tờ sau:
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ;
- Bản sao, bản chụp sổ đỏ;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng miễn lệ phí (nếu có)
Lưu ý thời gian nộp hồ sơ kê khai tài chính thường cùng lúc với thời gian nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ.
Bước 4: Nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ và nhận kết quả
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ sang tên sổ đỏ bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động;
- Bản gốc sổ đỏ;
- Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng.
Thời hạn sang tên sổ đỏ:
- Quy trình mua bán sang tên nhà đất không quá 10 ngày kể từ lúc nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ;
- Đối với những vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh thì thời hạn sẽ được tăng thêm 10 ngày
Trên đây là những thông tin cần thiết trong quy trình mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ. Bạn cần đọc kĩ các thông tin và tuân thủ đúng trình tự các bước. Hơn nữa, hãy chuẩn bị đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Chỉ khi đảm bảo được những yêu cầu trên, quy trình mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ mới có thể hoàn tất.
4. Thủ tục mua bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng
Việc tiến hành quy trình mua bán nhà đất đang thế chấp có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi, bạn thường không nắm chắc trong tay những kiến thức pháp lý liên quan đến thế chấp. Dưới đây là những cập nhật mới nhất về thủ tục, quy trình 2022 đối với loại hình bất động sản này.
4.1 Trường hợp nào nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng được quyền mua bán
Theo quy định của pháp luật; việc mua bán nhà đất đang có thế chấp chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của ngân hàng. Bên mua và cả bên bán cần thỏa thuận với ngân hàng. Họ cần ký biên bản thỏa thuận về việc thanh toán khoản tiền vay để rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Sau đó, thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng.
4.2 Quy trình mua bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng gồm những bước nào
Để đảm bảo thủ tục, quy trình mua bán nhà đất được diễn ra thuận lợi; thì điều kiện bắt buộc bạn phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần thiết và theo đúng quy định.
Quy trình mua bán nhà đất 2022 đối với loại tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng; gồm các bước sau đây:
Ký cam kết giữa ba bên (bên mua, bên bán, ngân hàng); về nội dung liên quan đến việc thanh toán tiền mua nhà giữa hai bên; cũng như thanh toán khoản tiền nợ vay của bên bán và ngân hàng; cam kết này phải có chữ ký của ba bên, có công chứng chứng thực.
Cả hai bên mua và bán phải cùng ra văn phòng công chứng để lập hợp đồng mua bán nhà đất.Bước 3: Nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế trước bạ tại chi cục thuế nơi có bất động sản.
Thực hiện thủ tục, quy trình mua bán sang tên nhà đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.
5. Khi nào người sử dụng đất được chuyển nhượng nhà đất
Không phải bất cứ lúc nào bạn đều có thể chuyển nhượng nhà đất theo mong muốn của mình. Các điều kiện, tiêu chí được đề ra rất rõ. Việc này nhằm đảm bảo người sử dụng đất đã đạt chuẩn để có quyền chuyển nhượng đất.
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất muốn thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất
Sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là một trong những điều kiện tiên quyết phải có. Tuy nhiên, nếu thuộc những trường hợp được liệt kê tại điểm a khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai thì người sử dụng đất không cần có sổ đỏ mà vẫn có thể thực hiện quyền chuyển nhượng.
Tạm kết
Có thể nói rằng quy trình mua bán bất động sản được tiến hành rất phức tạp, mỗi loại tài sản khác nhau lại có cách triển khai khác nhau. Mỗi giao dịch đều tiềm ẩn những rủi ro riêng nên bạn cần phải có vững kiến thức cần thiết về thủ tục mua bán nhà đất. OneDay hi vọng bạn đã bổ sung thêm những thông tin bổ ích sau khi đọc bài viết này.